07/08/2016
Shikantaza dịch việt là thiền “chỉ quản đả tọa” – chỉ ngồi mà thôi. Có lẽ bắt nguồn từ Mokushō zen (Mặc chiếu thiền) vào khoảng thế kỷ 11 bởi thiền sư Thiên Đồng Chánh Giác của tông Tào Động (Soto Zen): “Im lặng và thanh tĩnh, quên hết lời nói, cái trong sáng thanh tịnh tự nhiên hiện tiền” (trong “Chỉ lối Mặc chiếu” của Hoằng Trí Chánh Giác, 1091-1157). Theo thiền sư Thánh Nghiêm, đây là phương pháp thiền “không phương pháp”, là bỏ rơi mọi tư tưởng, lời nói để có được sự dừng nghỉ tâm trí sâu xa.
Cũng như các phương pháp khí công truyền thống từ xa xưa, thực hành Shikantaza là điều chỉnh tư thế thân thể, hơi thở và tâm thức. Riêng với Shikantaza, khác biệt lớn nhất là ở điều chỉnh tâm thức trong quan hệ với chỉ bằng cách ngồi mà có được tiến bộ tâm linh.
Thiền sư Kosho Uchiyama có kể một câu chuyện mà ngài cho là dễ hiểu khi liên hệ đến bản chất của thực hành Shikantaza:
“Một hôm Vô Trước đang làm điển tòa (tenzo, trưởng bếp) ở tu viện Ngũ Đài Sơn. Thình lình xuất hiện hình tượng Bồ tát Văn Thù trên nồi cơm. Vô Trước lấy đũa tre quậy cháo đánh mà nói rằng, Cho dù Phật Thích Ca có xuất hiện trên nồi cơm, tôi cũng phải đánh!”
Triết lý ở đây là, khi bạn ngồi thiền, hãy chỉ ngồi, và khi làm điển tòa, hãy chỉ làm điều đó. Tập trung hoàn hảo vào một sự việc chính là tinh thần của chỉ ngồi mà thôi …